Những Tác Hại Của Corticoid Gây Hại Cho Làn Da Bạn Nên Biết
13/07/2025
Nội dung bài viết:
Tại Việt Nam, tình trạng viêm da do lạm dụng corticoid trong mỹ phẩm đang trở thành một vấn nạn đáng báo động. Nhiều người vì mong muốn cải thiện làn da nhanh chóng đã vô tình biến corticoid – một hoạt chất được ví như “con dao hai lưỡi” – thành nguyên nhân gây ra hàng loạt tổn thương nghiêm trọng cho làn da. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác hại của corticoid trên da.
Hình ảnh: Những Tác Hại Của Corticoid Gây Hại Cho Làn Da Bạn Nên Biết
1. Corticoid là gì và hoạt động như thế nào trên da?
Corticoid, hay còn gọi là glucocorticoid, là một dạng hormone steroid có sẵn trong cơ thể, được sản sinh bởi tuyến vỏ thượng thận, hoặc được tổng hợp nhân tạo để dùng trong điều trị y học. Nhóm hoạt chất này có tác dụng chống viêm mạnh, ức chế miễn dịch, và giảm dị ứng, nên thường được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý cấp và mãn tính – đặc biệt là trong da liễu.
Corticoid ức chế quá trình gây viêm. Đồng thời, corticoid làm giảm hoạt động của các tế bào miễn dịch tại chỗ, từ đó giúp giảm sưng, đỏ, ngứa, đau – những biểu hiện phổ biến của viêm da. Tuy nhiên, cũng chính vì ức chế miễn dịch nên corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ nếu dùng sai cách hoặc kéo dài.
Hình ảnh: Corticoid là gì?
2. Tác hại của corticoid trên da
2.1 Tác dụng phụ tại chỗ:
Khi sử dụng corticoid trong thời gian dài, không đúng chỉ định hoặc dùng corticoid có hoạt lực mạnh trên vùng da nhạy cảm như mặt, cổ,... người dùng có thể gặp các biến chứng sau:
- Châm chích, bỏng rát tại vùng bôi, nhất là khi da đã tổn thương.
- Teo da, khiến da mỏng hơn, dễ bong tróc và tổn thương.
- Giãn mao mạch, đặc biệt ở vùng má và mũi, gây ửng đỏ và hiện rõ các đường gân máu.
- Rạn da: thường xuất hiện ở vùng bụng, ngực, đùi, mông do cấu trúc collagen bị phá vỡ.
- Mụn trứng cá do corticoid: dạng mụn viêm, mụn mủ lan rộng, đặc biệt do tác dụng cường androgen.
- Chậm lành vết thương, dễ nhiễm trùng vùng tổn thương nhỏ.
- Viêm da quanh miệng: biểu hiện bằng các mảng đỏ, ngứa, mụn nước li ti quanh miệng.
- Thay đổi sắc tố da, có thể là tăng sắc tố (sạm da) hoặc giảm sắc tố (trắng loang lổ).
- Rậm lông tại vùng bôi, do corticoid ảnh hưởng đến hormone.
- Dễ bầm tím, mất tính đàn hồi do thành mạch yếu.
- Nhiễm trùng da, bao gồm viêm nang lông, nấm, virus, do miễn dịch tại chỗ bị suy giảm.
Hình ảnh: Tác dụng phụ của Corti trên da
2.2 Tác dụng phụ toàn thân khi corticoid thấm qua da vào máu
Dù bôi ngoài da, corticoid vẫn có thể thấm qua biểu bì, đi vào hệ tuần hoàn, đặc biệt nếu bôi ở vùng da mỏng, diện rộng hoặc dùng corticoid mạnh, kéo dài. Lúc này, người dùng có thể đối mặt với các rối loạn toàn thân:
- Tăng cân, béo phì, do giữ nước và tích lũy mỡ tại bụng, mặt, gáy.
- Tăng huyết áp do giữ natri và nước trong cơ thể.
- Loãng xương, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh.
- Yếu cơ, teo cơ nếu dùng lâu dài.
- Rối loạn tâm thần kinh: mất ngủ, trầm cảm, cáu gắt, thay đổi tâm trạng.
- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường, do ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose.
- Suy tuyến thượng thận – tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi ngừng corticoid đột ngột sau thời gian dài dùng liều cao, cơ thể không thể tự sản sinh đủ hormone.
Hình ảnh: tác dụng phụ trên cơ thể
3. Dấu hiệu nhận biết da nhiễm corticoid
Dưới đây là những dấu hiệu điển hình cho thấy da có thể đã bị nhiễm corticoid:
- Da mỏng và nhạy cảm hơn bình thường: Khi sờ vào có cảm giác như lớp biểu bì rất mỏng, dễ bị kích ứng bởi các yếu tố như ánh nắng, gió, nhiệt độ hoặc mỹ phẩm thông thường.
- Mụn li ti hoặc mụn mủ xuất hiện dày đặc: Đặc biệt ở vùng má, cằm, trán – những nơi trước đây ít nổi mụn. Mụn thường có tính chất viêm, sưng tấy và lan rộng.
- Da đỏ ửng, nóng rát: Một biểu hiện phổ biến do tình trạng giãn mao mạch và mất khả năng điều tiết viêm của da.
- Ngứa ngáy, châm chích kéo dài hoặc tăng lên khi sử dụng mỹ phẩm dù lành tính.
- Da khô, bong tróc, thiếu độ ẩm, sần sùi, mất vẻ căng bóng tự nhiên.
- Nám và tàn nhang xuất hiện hoặc đậm màu hơn, do sắc tố da bị rối loạn sau quá trình ức chế liên tục.
Hình ảnh: Da nhiễm corti
4. Cách sử dụng corticoid an toàn để bảo vệ làn da
Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu tối đa rủi ro cho làn da, người dùng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chỉ sử dụng corticoid khi có chỉ định của bác sĩ
Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng sản phẩm chứa corticoid, đặc biệt là các sản phẩm làm trắng, trị mụn “thần tốc” không rõ nguồn gốc.
- Tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị
Không nên kéo dài quá thời gian bác sĩ khuyến cáo, vì càng dùng lâu, nguy cơ tác dụng phụ càng cao.
- Ưu tiên sử dụng dạng bôi
Corticoid dạng bôi ít ảnh hưởng toàn thân hơn dạng uống hoặc tiêm, nên thường được ưu tiên nếu tổn thương chỉ khu trú ngoài da.
- Không ngừng thuốc đột ngột
Nếu bạn đã dùng corticoid kéo dài, cần giảm liều từ từ theo chỉ định của bác sĩ để tránh hội chứng “cai corticoid”.
- Luôn kết hợp với kem dưỡng ẩm
Corticoid có thể làm khô, mỏng và suy yếu hàng rào bảo vệ da. Việc dưỡng ẩm song song là cần thiết để hỗ trợ phục hồi và bảo vệ da.
- Tái khám định kỳ
Nếu tình trạng da không cải thiện sau 2–4 tuần, hoặc có dấu hiệu bất thường (nổi mụn, đỏ rát lan rộng...), hãy quay lại bác sĩ để được điều chỉnh phác đồ phù hợp.
- Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh
Chế độ ăn nhiều rau xanh, vitamin C, E, omega-3 cùng giấc ngủ đủ, hạn chế căng thẳng sẽ giúp tăng sức đề kháng cho da và hỗ trợ quá trình hồi phục hiệu quả hơn.
Hình ảnh: Cách sử dụng corticoid an toàn
5. Các biện pháp phục hồi da sau khi bị nhiễm corticoid
Việc phục hồi da sau khi da nhiễm corticoid không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Đây là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì, bởi làn da lúc này đang trong trạng thái tổn thương cả về cấu trúc và chức năng bảo vệ. Để giúp da tái thiết lập lại sự cân bằng tự nhiên, người điều trị cần tuân thủ một số nguyên tắc chăm sóc cơ bản nhưng rất quan trọng:
Ngừng corticoid từ từ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ
Không nên dừng đột ngột, đặc biệt nếu bạn đã sử dụng corticoid kéo dài hoặc với nồng độ cao. Việc giảm liều theo từng giai đoạn sẽ giúp hạn chế tình trạng “hội chứng cai corticoid” và giúp da thích nghi dần.
Tái thiết lập hàng rào bảo vệ da
Hàng rào bảo vệ da sau nhiễm corticoid thường bị suy yếu nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mất nước, dễ kích ứng và dễ nhiễm khuẩn. Do đó, mục tiêu quan trọng là phục hồi lớp lipid biểu bì và tăng cường khả năng tự bảo vệ của da.
Giảm viêm, làm dịu và cấp ẩm chuyên sâu
Sử dụng các sản phẩm phục hồi dịu nhẹ, không chứa hương liệu, cồn hay chất bảo quản mạnh sẽ giúp da ổn định dần. Các loại mặt nạ tự nhiên như yến mạch, nha đam có khả năng làm dịu và chống viêm nhẹ nhàng, rất thích hợp trong giai đoạn đầu.
Hình ảnh: Cấp ẩm chuyên sâu
Bổ sung các hoạt chất phục hồi chuyên sâu
Lựa chọn các serum hoặc kem dưỡng chứa ceramide, peptide , hyaluronic acid – những thành phần đã được chứng minh lâm sàng có hiệu quả trong phục hồi cấu trúc và chức năng da.
Luôn chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu
Không nên tùy tiện thử sản phẩm mới hay thay đổi quy trình chăm sóc khi chưa có chỉ định. Trong giai đoạn da còn yếu, việc sử dụng sai sản phẩm có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
Thông qua bài viết “Tác hại của corticoid trên da có thể bạn chưa biết” mà Decaar Việt Nam chia sẻ, hy vọng người bệnh sẽ hiểu rõ hơn về bản chất của corticoid cũng như những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng không đúng cách.
Tin nổi bật
TIN LIÊN QUAN
Đăng ký hợp tác kinh doanh
Vui lòng Đăng ký để nhận thông tin Chính sách bán hàng